Dư địa mới cho gạo Việt

Trong khi các khách hàng truyền thống dồn dập tăng cung thì nhiều thị trường cao cấp cũng đang phải ứng phó tình trạng thiếu lương thực. Bối cảnh thị trường đang mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt tăng giá trị xuất khẩu mà không cần chạy theo số lượng.

Cơ hội mở rộng ở thị trường Nhật?

Nhật Bản đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung gạo khi quầy kệ gạo ở siêu thị trống trơn, mỗi người chỉ được mua 1 túi gạo/lần, người Nhật xếp hàng mua gạo còn giá tăng mạnh… Trong bối cảnh trên, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến cáo người dân không tích trữ gạo, đồng thời giới chức nước này thừa nhận tính đến tháng 6.2024, lượng gạo tồn trữ ở khu vực tư nhân xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1999. Trên thị trường, giá của một túi gạo tiêu chuẩn 5 kg đã lên tới 21 USD (tương đương khoảng 105.000 đồng/kg), tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dư địa mới cho gạo Việt- Ảnh 1.
Tại VN, Tân Long là doanh nghiệp (DN) có thâm niên xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật Bản và sản phẩm gạo của đơn vị này từng được sử dụng làm bữa trưa tại Văn phòng Chính phủ Nhật. Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, nói ngắn gọn: “Thị trường Nhật Bản hiện tại rất tốt. Từ nay đến cuối năm và cả năm sau cũng sẽ rất tốt!”.

Theo Thương vụ VN tại Nhật Bản, tổng lượng nhập khẩu gạo của nước này bình quân khoảng 770.000 tấn mỗi năm, trong đó 670.000 tấn theo cơ chế thị trường thông thường. Hiện Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu gạo từ Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc và Úc. Gạo VN vẫn còn hạn chế do yêu cầu của thị trường này về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn rất cao. Năm 2012, đã có lần DN VN trúng thầu cung cấp số lượng lớn cho Nhật Bản nhưng sản phẩm lại không đạt chất lượng nên sau đó họ không tiếp tục mời VN tham gia thầu. Từ đó, lượng gạo VN được nhập vào Nhật không đáng kể.

Theo các chuyên gia, cơ hội vào thị trường Nhật Bản là rất lớn vì nhu cầu cao, thế nhưng đây cũng là thị trường khó tính nhất thế giới, họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm đúng chất lượng chứ không bao giờ vì giá cả mà hạ thấp tiêu chuẩn. Chính vì vậy, gạo VN muốn tận dụng cơ hội tại thị trường Nhật Bản thì chỉ có một cách duy nhất là đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cho biết: “Trước đây mình xuất qua Nhật Bản mạnh nhất là nếp chứ không phải gạo. Sau này mới chuyển hướng xuất khẩu qua Trung Quốc, Malaysia. Để xuất khẩu được gạo vào Nhật thì ngoài vấn đề chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thì điều cần lưu ý là “gu” của họ rất khác chúng ta về hình dáng hạt gạo, độ dẻo, mùi vị. Nên hiện họ chỉ nhập sản phẩm gạo nếu trồng giống của họ. Trong khi đó, giống lúa của Nhật đặc tính là phù hợp với điều kiện khí hậu mát, khi trồng ở VN thường cho năng suất thấp nên nông dân VN cũng không chuộng”.

Gạo VN phải tính đến phân khúc 1.000 USD/tấn

Dù đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng nhưng nhìn chung, hoạt động xuất khẩu gạo của VN vẫn tập trung mạnh về lượng. Năm 2023 là một năm đạt kỷ lục về lượng gạo xuất khẩu với con số trên 8 triệu tấn. Trong 8 tháng qua, xuất gạo của VN đạt gần 6,2 triệu tấn, tăng gần 6% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đầu ra chủ yếu của hạt gạo vẫn là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia… với giá gạo bình quân trong 8 tháng là 542 USD/tấn.

Đáng chú ý, trong những đợt mở thầu gần đây ở thị trường Indonesia thì chỉ có DN VN là sốt sắng tham gia trong khi DN Thái Lan rất thờ ơ do họ có nhiều lựa chọn về đầu ra hơn. DN Thái Lan chào giá cao và không giảm giá để bán được hàng, còn DN VN thì ngược lại. Giá gạo của VN trúng thầu ở thị trường Indonesia trong 2 lần gần đây cũng chỉ có 563 USD/tấn, bao gồm cả chi phí vận chuyển. Lãnh đạo một DN có tiếng ở ĐBSCL chia sẻ vừa rồi Bulog (Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia – PV) có mời DN của ông tham dự thầu nhưng ông phải từ chối vì không bán gạo hàng rời. “Tôi cũng thấy ngạc nhiên khi thấy nhiều DN VN tham gia nhiệt tình nhưng bán với giá khá thấp so với giá lúa gạo tại thị trường nội địa cùng thời điểm. Có lẽ đó cũng là một phần lý do vì sao ở miền Tây hiện nay có nhiều DN gạo đang rao bán nhà máy”, vị này thông tin.

Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN (Vinarice), một trong những DN xuất khẩu gạo lớn có uy tín, có vùng nguyên liệu hàng chục ngàn héc ta và cũng là đơn vị tích cực trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nhận định: “Không chỉ thị trường Nhật Bản mà các thị trường ở phân khúc cao cấp khác cũng đang có nhu cầu nhập khẩu gạo rất cao. Hiện tại chúng tôi đang xuất khẩu gạo sang các thị trường EU, Mỹ, Nga, Canada, Úc… Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu tăng trên 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo bình quân là 1.050 USD/tấn, cá biệt như Canada và Úc lên tới 1.150 USD/tấn. Mới đây chúng tôi cũng chào giá cho khách hàng New Zealand với giá 1.200 USD/tấn”.

“Tôi muốn chia sẻ những thông tin này để nói rằng nhu cầu gạo ở phân khúc cao cấp cũng rất lớn. Nếu chúng ta chịu khó đầu tư vẫn có thể xâm nhập vào phân khúc thị trường này. Đã đến lúc chúng ta không nên tham lượng mà xem nhẹ chất. Chúng ta cần phải làm gì đó để tạo ra sự khác biệt so với chính chúng ta trước đây nhằm nâng chất lượng, giá trị và thương hiệu gạo VN”, ông Tài trăn trở.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), thẳng thắn nói: “Tại VN, sản xuất lúa gạo đã đạt ngưỡng về nhiều mặt từ khai thác tài nguyên, năng suất, chất lượng và thậm chí cả vấn đề giá cả, lợi nhuận. Chính vì vậy, nhu cầu phát triển đòi hỏi cần phải chuyển đổi mô hình sang một hướng đi mới, phù hợp với xu hướng thị trường nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị hạt gạo VN trên thị trường quốc tế”.

Xuất khẩu gạo vào thị trường cao cấp tăng mạnh

Tại thị trường EU, nhu cầu tiêu thụ gạo mỗi năm khoảng 3,3 triệu tấn, khu vực này không có lợi thế về sản xuất gạo và sản lượng mỗi năm chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu. Trong những năm gần đây, xuất khẩu gạo của VN vào EU tăng mạnh và đạt trên 100.000 tấn vào năm 2023 trong khi hạn ngạch thuế quan 0% chỉ có 80.000 tấn/năm. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan VN, trong quý 1/2024, VN đã xuất khẩu vào EU gần 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thị trường Pháp tăng đột biến với 18.200 tấn tương đương giá trị 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ. Thị phần gạo VN tại EU tăng từ 1% lên 3,1% trong năm 2024.

Tương tự, xuất khẩu gạo vào thị trường châu Mỹ của VN trong 3 tháng đầu năm nay đạt 135.300 tấn; với kim ngạch là 94,5 triệu USD, tăng 299% so với cùng kỳ.

Chí Nhân

------------------------------------
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ - Can Tho Agrico
Địa chỉ: ĐT922, ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ
Hotline: 0919 547 933
Fanpage: www.facebook.com/canthoagrico

SPIN TO WIN!

  • Try your lucky to get discount coupon
  • 1 spin per email
  • No cheating
Try Your Lucky
Không bao giờ
Nhắc lại sau
Không, cảm ơn