Kinh tế Trung Quốc giảm tốc như hiện nay sẽ tác động hạn chế với thế giới nhưng một kịch bản suy thoái sẽ là mối nguy chung, theo Economist.
Chỉ 8 tháng trước, nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi. Chính sách “zero-covid” khép lại, người mua sắm và khách du lịch trong nước được phép đi lại tự do. Tuy nhiên, sự phục hồi được kỳ vọng đã vụt tắt.
Tăng trưởng GDP quý II từng được các nhà kinh tế kỳ vọng đạt được khoảng 10% thực tế chỉ hơn 3%. Cùng với đó, Trung Quốc rơi vào giảm phát. Phản ứng thận trọng của Bắc Kinh và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trở nên tồi tệ hơn đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kéo dài.
Vấn đề là những gì xảy ra với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều quan trọng ở mọi nơi khác. Bởi vì Trung Quốc quá lớn nên vận mệnh kinh tế đang thay đổi của nước này có thể thúc đẩy hoặc hạ thấp triển vọng tăng trưởng của các nước khác và toàn cầu nói chung.
Các hộ gia đình và công ty nước này sẽ mua ít hàng hóa và dịch vụ hơn mức họ có thể mua, gây ra hậu quả cho cả nhà sản xuất hàng hóa này và những người tiêu dùng khác. Ở một số nơi, những khó khăn của Trung Quốc sẽ là nguồn gốc của khó khăn. Tuy nhiên, với một số thì sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, theo Economist.
Các nhà xuất khẩu hàng hóa đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của Trung Quốc. Quốc gia này tiêu thụ gần 20% lượng dầu mỏ, 50% lượng đồng, niken và kẽm tinh chế và hơn ba phần năm quặng sắt của thế giới. Thị trường bất động sản khó khăn đồng nghĩa với việc nước này cần ít nguồn vật tư như vậy hơn.
Đó sẽ là cú sốc với các quốc gia như Zambia, nơi xuất khẩu đồng và các kim loại khác sang Trung Quốc lên tới 20% GDP, hay Australia – nhà cung cấp than và sắt lớn. Hôm 22/8, BHP Group – nhà khai thác mỏ lớn nhất thế giới của Australia báo cáo lợi nhuận hàng năm thấp nhất trong ba năm. Họ nhận định rằng các nỗ lực kích thích của Trung Quốc không tạo ra những thay đổi thực tế.
Phương Tây cũng chứng kiến ảnh hưởng tiêu cực. Nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc là một lý do khiến nền kinh tế Đức trì trệ gần đây. Một số công ty phương Tây bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào Trung Quốc để có doanh thu.
Năm 2021, 200 công ty đa quốc gia lớn nhất ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản kiếm được 13% doanh thu từ Trung Quốc, tổng cộng 700 tỷ USD. Ví dụ, Tesla đang kiếm khoảng 20% doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Trong khi nhà sản xuất chip Qualcomm phụ thuộc đến hai phần ba doanh số vào nước này.
Miễn là sự suy thoái không leo thang thành khủng hoảng toàn diện thì thiệt hại cho các nước bên ngoài Trung Quốc sẽ ở mức giới hạn. Cụ thể, doanh số bán hàng sang Trung Quốc chỉ chiếm 4-8% hoạt động kinh doanh của tất cả công ty niêm yết ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Xuất khẩu từ Mỹ, Anh, Pháp và Tây Ban Nha sang Trung Quốc chỉ chiếm 1-2% so với sản lượng mỗi nước. Ngay cả ở Đức, với tỷ lệ xuất khẩu chiếm 4%, cần có tình hình Trung Quốc suy yếu đáng kể để gây ra ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của họ.
Hơn nữa, những khó khăn của Trung Quốc xảy ra vào thời điểm phần còn lại của thế giới đang hoạt động tốt hơn mong đợi. Vào tháng 7, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu so với dự báo hồi tháng 4. Mỹ, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, được dự báo tăng trưởng gần 5%.
Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc thậm chí sẽ mang lại một số thuận lợi cho người tiêu dùng thế giới, vì điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu về hàng hóa sẽ ít hơn, kéo giá cả và chi phí nhập khẩu giảm xuống.
Khi giá cả bình ổn, lạm phát hạ nhiệt thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ bớt diều hâu hơn. Một số đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và sẽ không muốn phải tăng thêm nữa.
Tăng trưởng kinh tế chậm hơn ở Trung Quốc cũng có thể mang lại lợi ích cho châu Âu vì nó sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thị trường năng lượng toàn cầu và đặc biệt là khí đốt tự nhiên, theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International. Các nước châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc về giá khí đốt tự nhiên và giá thấp hơn có thể giúp giảm bớt áp lực về giá năng lượng.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mọi việc trở nên tồi tệ hơn ở Trung Quốc?
Sự suy giảm mạnh hơn của Trung Quốc cùng với chi tiêu tiêu dùng và đầu tư suy yếu sẽ có tác động tiêu cực lan tỏa đến nền kinh tế toàn cầu thông qua các liên kết thương mại và hàng hóa. Do đó, trong kịch bản Trung Quốc rơi vào suy thoái thì theo Euromonitor nền kinh tế toàn cầu có thể chứng kiến mức tăng trưởng chậm hơn 0,1-0,5 điểm phần trăm trong giai đoạn 2023-2024 so với kịch bản cơ sở.
Trong trường hợp xấu nhất, một cuộc khủng hoảng bất động sản có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính thế giới. Một nghiên cứu của Ngân hàng Anh năm 2018 cho thấy nếu Trung Quốc “hạ cánh cứng” với tăng trưởng GDP lao dốc đột ngột từ 7% xuống -1% thì sẽ làm giảm giá tài sản toàn cầu. Trong khi đó, đồng tiền của các nước giàu tăng giá khi các nhà đầu tư đổ về hướng các tài sản an toàn hơn.
Khi ấy, GDP của Anh sẽ giảm 1,2%. Mặc dù hầu hết tổ chức tài chính phương Tây tương đối ít tiếp xúc với Trung Quốc nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn HSBC và Standard Chartered – hai ngân hàng của Anh.
Trường hợp suy thoái kéo dài hơn có thể khiến Trung Quốc quay trở lại hướng nội, tức giảm đầu tư và cho vay ra nước ngoài. Bởi lẽ, các quan chức có thể phải bận rộn hơn nếu họ đang lo “chữa cháy” kinh tế trong nước.
Sau khi trở thành chủ nợ song phương lớn nhất thế giới vào năm 2017, Trung Quốc đã dần cắt giảm nguồn vốn ra nước ngoài khi các dự án trở nên khó khăn. Các nhà quan sát sẽ theo dõi lễ kỷ niệm một thập kỷ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, nơi Trung Quốc bơm tiền xây dựng cơ sở hạ tầng ở nhiều nước như Mozambique hay Pakistan, để tìm dấu hiệu về ý định sắp tới của Bắc Kinh.
Những thách thức mà Trung Quốc đang đối diện cũng sẽ thay đổi cách thế giới nhìn nhận về nền kinh tế số hai thế giới. Thời gian qua, tăng trưởng nhanh chóng, cùng với việc cho vay hào phóng, đã nâng cao danh tiếng của đất nước này.
Theo một cuộc khảo sát gần đây trên 24 quốc gia của công ty thăm dò ý kiến Pew, người dân ở những nơi giàu có nhìn chung không thiện cảm với Trung Quốc nhiều bằng phần lớn các nước mới nổi khác như Mexico, Kenya, Nigeria hay Nam Phi. Những quốc gia này đều nhìn dưới góc độ thuận lợi và hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có còn đúng trong một năm nữa hay không, Economist đặt vấn đề.
Phiên An (theo The Economist)
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ - Can Tho Agrico
Địa chỉ: ĐT922, ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ
Hotline: 0919 547 933
Fanpage: www.facebook.com/canthoagrico