Giá lúa tăng mạnh, vui cho bà con nhưng cần tránh rủi ro

Việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, trong khi một số nước tăng dự trữ, giảm bán gạo được xem là cơ hội cho hạt gạo Việt Nam, đẩy giá lúa Việt Nam tăng vọt những ngày qua khiến bà con nông dân nức lòng.

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo lên tàu xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo lên tàu xuất khẩu – Ảnh: BỬU ĐẤU

Tuy nhiên làm sao để đảm bảo sự hài hòa giữa đẩy mạnh xuất khẩu và cân đối cung – cầu, ổn định giá cả trong nước?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể là “cơ hội” cho người nông dân, song cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc này đến toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng lúa gạo.

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương

“Cơ hội vàng”

* Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tới thị trường gạo thế giới?

– Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ xuất hiện trong bối cảnh nguồn cung lương thực đã rất căng do cuộc chiến Nga – Ukraine và tình hình thời tiết không thuận ở nhiều nước sản xuất, xuất khẩu gạo nên chắc chắn sẽ gây tác động mạnh tới giá gạo trên thị trường thế giới.

Một số ý kiến cho rằng đây là “cơ hội vàng” cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng có lẽ cần đánh giá toàn diện hơn. Bà con nông dân có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn nhưng an ninh lương thực của Việt Nam và cả hệ thống doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể sẽ gặp rủi ro không hề nhỏ.

Giá gạo, rau củ bắt đầu nhảy múa

* Ông có thể nói rõ hơn về rủi ro đối với việc đảm bảo cung – cầu và giá cả?

– Để bù đắp lượng gạo thiếu hụt từ nguồn Ấn Độ xuất khẩu, các nhà nhập khẩu sẽ quay sang mua gạo của Việt Nam và Thái Lan. Điều này có thể thấy rõ hơn trong thời gian tới và chúng ta nên lường trước khả năng thiếu hụt.

Trong vòng bốn năm kể từ năm 2018, lượng gạo xuất khẩu của ta chỉ dao động xung quanh 6,1 – 6,3 triệu tấn/năm, riêng năm 2022 vọt lên hơn 7 triệu tấn. Tôi cho rằng đây đã là giới hạn tối đa để đảm bảo sự hài hòa giữa xuất khẩu và nhu cầu trong nước.

Chúng ta có thể xuất khẩu 9 – 10 triệu tấn, thậm chí trên 10 triệu tấn/năm, như một số ý kiến. Nói vậy cũng đúng bởi ta sản xuất hơn 22 triệu tấn gạo/năm, đủ để xuất khẩu trên 10 triệu tấn nhưng có thể sẽ phải nhập khẩu để bù vào. Cần nhớ rằng năm 2021 ta xuất khẩu có 6,2 triệu tấn gạo thôi nhưng lượng nhập khẩu đã lên tới 1 triệu tấn, trong đó hơn 700.000 tấn là từ Ấn Độ.

Nhu cầu gạo trong nước không chỉ là phục vụ cho bữa ăn hằng ngày mà còn cả nhu cầu làm bún, làm bánh hay nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cơ cấu gạo xuất khẩu của ta đã có sự thay đổi lớn trong những năm gần đây.

Chúng ta trồng gạo chất lượng cao để bán giá cao; phân khúc gạo thường để làm bánh, làm bún… thì dùng nhập khẩu để bù đắp, trong đó nhập từ Ấn Độ một lượng khá lớn. Nay nguồn cung từ Ấn Độ bị thắt đột ngột, toàn bộ các ngành sản xuất sử dụng gạo thường để làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng.

Cuối cùng là đảm bảo an ninh lương thực không chỉ đảm bảo về lượng mà còn đảm bảo về giá ở mức chấp nhận được với đại đa số người dân. Có gạo nhưng giá tăng tới 10 – 15% so với năm 2022 thì cũng khó có thể nói là đã đảm bảo an ninh lương thực, nên cần lưu ý yếu tố này.

Nông dân huyện Châu Phú (An Giang) đưa lúa ra cặp sông Hậu để bán cho  thương lái - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân huyện Châu Phú (An Giang) đưa lúa ra cặp sông Hậu để bán cho thương lái – Ảnh: BỬU ĐẤU

Năm 2025 thị trường ổn định

* Ông cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể gặp rủi ro, nhưng có những đơn vị cho rằng tình hình đang rất triển vọng?

– Trong ngắn hạn từ sáu tháng tới một năm, triển vọng là có. Tuy nhiên từ giữa năm 2024 thời tiết có thể ổn định trở lại, sản xuất gạo phục hồi và Ấn Độ có thể sẽ giải tỏa lệnh cấm xuất khẩu.

Thị trường sẽ quay trở về trạng thái thông thường. Với nông dân, vụ hè thu này là tốt bởi giá phân bón giảm, giá đầu ra lại tăng đột biến nên có lợi nhuận lớn. Nhưng tới vụ đông xuân, tình hình có thể sẽ khác.

Tính đến khả năng giá gạo vượt 1.000 USD/tấn

Trong một chuỗi sản xuất và cung ứng lúa gạo “phẳng” như hiện nay, rất khó xảy ra tình trạng một khâu nào đó có lợi nhuận siêu ngạch kéo dài. Theo thời gian, thị trường sẽ tự điều chỉnh để từng khâu đều có mức lợi nhuận bình quân cơ bản như nhau.

Khác với mường tượng của nhiều người, giá xuất khẩu tăng hầu như không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Sở dĩ như vậy là do tuyệt đại đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nắm giữ đất trồng lúa.

Họ đơn thuần là mua gạo trong dân để bán cho người nhập khẩu. Giá mua lúa gạo trong nước tăng theo giá thế giới, doanh nghiệp xuất khẩu có thể sẽ không được lợi gì nhiều trừ phi họ còn gạo tồn mua từ trước. Nếu đã trót ký hợp đồng bán với giá thấp, giờ phải mua vào với giá cao để thực hiện hợp đồng thì thậm chí có thể thua lỗ.

Nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của người dân trong quý 3 và 4-2023 - Nguồn: Bộ NN&PTNT - Đồ họa: N.KH.

Nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của người dân trong quý 3 và 4-2023 – Nguồn: Bộ NN&PTNT – Đồ họa: N.KH.

* Vậy ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như các cơ quan hữu quan?

– Hiện nay không loại trừ khả năng nông dân và thương lái sẽ găm giữ gạo để chờ giá cao hơn. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên thận trọng. Cần lưu ý đến phương thức giao dịch. Nếu có thể thì nên mua trước, bán sau hoặc đưa ra phương thức tính giá xuất khẩu dựa trên chỉ số giá gạo vào thời điểm giao hàng để giảm bớt rủi ro.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nên nhiều khả năng lệnh cấm này còn kéo dài, ít nhất là trong sáu tháng tới. Nhiều chuyên gia dự báo thị trường gạo có thể bình ổn trở lại vào nửa cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Từ nay tới đó, bên cạnh việc tận dụng cơ hội để tăng lợi nhuận cho người nông dân, cần có sự tính toán và đánh giá toàn diện các mặt để đảm bảo cung cầu gạo trong mọi tình huống và ổn định giá gạo cho người dân trong bối cảnh vẫn tồn tại nguy cơ lạm phát.

Nông dân ở Hậu Giang nhộn nhịp thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2023   - Ảnh: CHÍ CÔNG

Nông dân ở Hậu Giang nhộn nhịp thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2023 – Ảnh: CHÍ CÔNG

Ổn định lượng gạo xuất khẩu dưới 7 triệu tấn

Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng năm nay sản xuất lúa gạo ở Việt Nam khá thuận lợi, kế hoạch cả năm dự kiến đạt khoảng 43 triệu tấn thóc. Như vậy đảm bảo đủ cung ứng nhu cầu lương thực trong nước và các nhu cầu khác, khi chúng ta xuất khẩu ở mức 6,5 – 6,6 triệu tấn gạo.

Dù Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhưng quan điểm của Cục Trồng trọt là tiếp tục ổn định lượng gạo xuất khẩu trên 6,5 – 6,6 triệu tấn. Với lượng gạo xuất khẩu như vậy sẽ không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực và các nhu cầu tiêu thụ trong nước khác.

Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các doanh nghiệp đánh giá tình trạng dự trữ hiện có, nguồn cung và nhu cầu thị trường khi thương thảo hợp đồng mới đạt mức giá cao nhất nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa.

Nguồn: Hiệp hội lương thực VN - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: Hiệp hội lương thực VN – Đồ họa: N.KH.

------------------------------------
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ - Can Tho Agrico
Địa chỉ: ĐT922, ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ
Hotline: 0919 547 933
Fanpage: www.facebook.com/canthoagrico