(KTSG Online) – Xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh trong tháng đầu năm, tuy nhiên thị trường lúa gạo nội địa vẫn khá sôi động ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh mua vào để thực hiện các đơn hàng đã ký kết.
Lúa gạo tăng giá: “kẻ buồn, người vui”
Trao đổi với KTSG Online, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hoà Phát Tân Châu, cho biết, tuy giá lúa gạo đã dịu trở lại nhưng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá bán hiện vẫn cao hơn khá nhiều.
Lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện được thương lái mua tại ruộng với giá khoảng 6.600-6.700 đồng/kg; lúa OM 380 (một dạng lúa có chất lượng cao hơn một ít so với lúa IR 50404- PV) có giá 6.700-6.750 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 giá 7.000-7.050 đồng/kg và lúa ST25 khoảng 7.600 đồng/kg. Trong khi đó, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá khoảng 10.200 đồng/kg; của OM 18 và Đài Thơm 8 khoảng 11.000 đồng/kg.
Nếu so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có giá bán cao hơn khoảng 300-500 đồng/kg, nhưng thấp hơn khoảng 50-100 đồng/kg so với thời điểm cách nay khoảng 2 ngày.
Việc giá lúa gạo biến động mạnh thời gian gần đây đã đẩy không ít hộ nông dân trồng lúa ở khu vực ĐBSCL rơi vào cảnh “kẻ buồn, người vui”.
Ông Nguyễn Văn Cường, một hộ nông dân sản xuất lúa ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết so với thời điểm ông nhận cọc của thương lái (thời điểm trước Tết Nguyên đán và ấn định thu hoạch vào ngày 8-2-2023 – PV), hiện ông đang phải chịu lỗ 350 đồng/kg, tức lỗ 7.000 đồng/giạ lúa (mỗi giạ lúa là 20 kg – PV).
Với 1,5 héc ta diện tích sản xuất giống OM 380, năng suất ước đạt khoảng 9 tấn/héc ta trong vụ đông xuân này, ông Cường tính toán chỉ riêng việc bán lúa giá thấp khiến đã khiến ông bị lỗ trên 4,7 triệu đồng.
Việc nông dân nhận tiền cọc trước, nhưng lúa được thu hoạch và giao cho thương lái sau như trường hợp của ông Cường là rất phổ biến ở khu vực ĐBSCL. Do đó, không ít nông dân cũng rơi vào cảnh lỗ lã tương tự.
Tuy nhiên, những hộ nông dân nhận cọc bán lúa cho thương lái trong vòng một tuần trở lại đây thì rất phấn khởi vì bán được giá cao. Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nói: “Trong vòng hai năm qua, đây là lần đầu tiên tôi bán lúa giá cao như vậy”, ông nói, nhưng dự báo lợi nhuận cũng tăng không đáng kể so với trước vì các loại chi phí vật tư đầu vào đều tăng cao.
Xuất khẩu giảm, vì sao thị trường vẫn sôi động?
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt khoảng 400.000 tấn với trị giá khoảng 203 triệu đô la Mỹ, giảm gần 21% về lượng và khoảng 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy xuất khẩu gạo ghi nhận sụt giảm trong tháng đầu năm, nhưng thị trường lúa gạo nội địa vẫn khá sôi động.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, cho rằng, do lãi suất của các ngân hàng được điều chỉnh tăng mạnh nên cuối năm ngoái tất cả các doanh nghiệp đều “rút gọn” tồn kho để trả nợ.
Mặt khác, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp phải tập trung trả đơn hàng đã ký kết với đối tác từ năm cũ chuyển sang, nhất là hợp đồng với Philippines và Indonesia, cho nên, đã đẩy mạnh việc mua vào khiến giá lúa gạo thị trường nội địa sôi động ngay từ đầu năm.
Trong khi đó, theo ông Khoa, vụ lúa đông xuân 2022-2023 vẫn chưa vào thu hoạch rộ, lượng hàng cung cấp ra thị trường còn hạn chế cũng là yếu tố tác động cộng hưởng khiến giá lúa gạo thị trường nội địa tăng.
Báo cáo của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến cuối tháng 1-2023, vụ đông xuân 2022-2023, vùng ĐBSCL đã xuống giống được 1,47 triệu héc ta trên tổng số 1,51 triệu héc ta kế hoạch. Trong đó, diện tích đã thu hoạch được khoảng 202.000 héc ta, tức chỉ mới thu hoạch được khoảng 14% diện tích đã gieo sạ.
Nếu giá lúa gạo giữ được như hiện nay đến cuối vụ, nông dân vùng ĐBSCL sẽ có một vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên, theo dự báo của những người trong cuộc, khả năng giá lúa sẽ quay đầu sụt giảm đáng kể khi vụ đông xuân 2022-2023 bước vào giai đoạn thu hoạch rộ.
Còn ở khía cạnh xuất khẩu, hiện các doanh nghiệp cũng đang điều chỉnh giá bán theo hướng giảm, khoảng 5 đô la Mỹ/tấn so với mức giá hồi đầu tháng 2-2023, xuống còn 468-472 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm và 448-452 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ - Can Tho Agrico
Địa chỉ: ĐT922, ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ
Hotline: 0919 547 933
Fanpage: www.facebook.com/canthoagrico